Sưng mắt cá chân có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm

Sưng mắt cá chân hay phù mắt cá chân là một vấn đề thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên chân. Sưng mắt cá chân có thể không đau hoặc đau nhức ở vùng khớp cổ chân, tuy nhiên dù có gây ra cảm giác đau nhức, khó chịu hay không, mọi người tuyệt đối không được chủ quan bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một vài bệnh lý nguy hiểm.

 

Ảnh minh họa: Sưng mắt cá chân

NGUYÊN NHÂN GÂY SƯNG MẮT CÁ CHÂN

Sưng mắt cá chân có thể do các nguyên nhân thường gặp như bong gân, viêm gân, viêm khớp hoặc do tính chất công việc phải đứng nhiều, tuy nhiên, sưng mắt cá chân cũng có thể gây ra bởi một số bệnh lý nguy hiểm. Nikenko cảnh báo bạn những nguyên nhân tiềm ẩn khiến bạn có thể bị sưng phù mắt cá chân: 

Bong gân

Xảy ra khi các dây chằng giữ mắt cá chân bị kéo căng gây sưng, đau mắt cá chân.

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc như thuốc huyết áp, thuốc chống viêm steroid, thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc chống dị ứng, thuốc chống trầm cảm và liệu pháp Estrogen có thể gây sưng mắt cá chân.

Phù bạch huyết

Là tình trạng chất lỏng dư thừa tích tụ trong các mô của cơ thể, gây sưng tấy. Phù bạch huyết xảy ra khi các hạch bạch huyết của một người bị tổn thương hoặc không còn do đã được phẫu thuật cắt bỏ. Người bị phù bạch huyết có thể cảm thấy nặng nề hoặc sưng phù ở cánh tay hoặc chân.

Dấu hiệu có cục máu đông

Một trong những nguyên nhân đáng báo động nhất của tình trạng sưng mắt cá chân là do có cục máu đông. Trong trường hợp bạn bị sưng một bên mắt cá chân và nó không có dấu hiệu xẹp xuống thì nên chủ động tới gặp bác sĩ ngay. Bởi có những trường hợp, cục máu đông sẽ di chuyển vào phổi và gây tắc mạch phổi, đe dọa tới tính mạng của bạn. 

Một số dấu hiệu nhận biết khác đi kèm là cảm thấy đau chân, khó thở, đầu óc quay cuồng, da mẩn đỏ, đổi màu...

 

Ảnh minh họạ: Sưng mắt cá chân do có cục máu đông

 

Viêm khớp

Xảy ra khi sụn khớp bị thoái hóa làm các khớp xương cọ sát vào nhau gây sưng mắt cá chân, đây là tình trạng phổ biến ở người lớn tuổi. Ngoài ra, các chấn thương do tai nạn có thể dẫn đến tổn thương khớp, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập gây ra tình trạng viêm.

Tiền sản giật

Phụ nữ mang thai vào những tháng cuối của thai kỳ thường gặp phải tình trạng sưng phù mắt cá chân. Tuy nhiên nếu tình trạng sưng mắt cá chân quá nghiêm trọng thì có thể là dấu hiệu của bệnh tiền sản giật, một biến chứng thai kỳ vô cùng nguy hiểm.

Suy tim

Khi bị suy tim, tim sẽ co bóp kém đi khiến một hoặc cả hai tâm thất giảm khả năng bơm máu. Đồng thời, khả năng hút máu từ các cơ quan trở về tim cũng giảm. Khi đó máu ứ đọng tại các tĩnh mạch ngoại biên và dịch thoát ra các mô xung quanh gây phù nề, đặc biệt ở chân và mắt cá chân. Một số dấu hiệu khác bạn nên chú ý như khó thở, nhịp tim nhanh hoặc không đều, ho dai dẳng, tức ngực.

 

Ảnh minh họa: Suy tim cũng là nguyên nhân gây sưng phù chân, mắt cá chân

Nhiễm trùng

Sưng phù mắt cá chân có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng đang xảy ra, đặc biệt là ở bệnh nhân tiểu đường hoặc đang gặp các vấn đề về thần kinh.

Rối loạn chức năng gan hoặc thận

Bất kỳ rối loạn nào của gan hoặc thận đều có gây ra tình trạng giữ nước trong cơ thể. 

 Gan là nơi tổng hợp nhiều loại protein quan trọng cho cơ thể, trong số đó có Albumin. Đây là chất giúp hình thành áp lực keo, có chức năng chính là giữ nước lại trong lòng mạch. Khi chức năng gan suy giảm kéo theo hiện tượng giảm tổng hợp albumin, giảm áp lực keo và nước trong lòng mạch dễ dàng thoát ra ngoài gây nên triệu chứng phù.

 

Ảnh minh họa: Sưng phù mắt cá chân có thể là dấu hiệu của rối loạn chức năng gan.

 

Tương tự, khi chức năng thận suy giảm, các mạch máu nhỏ chịu trách nhiệm lọc máu trong thận bị tổn thương, làm suy giảm albumin protein trong máu và làm giảm áp lực keo, hậu quả là sự tích trữ natri và nước trong cơ thể gây phù nề, triệu chứng này thường xuất hiện quanh vùng mắt, mắt cá chân và bàn chân.

Béo phì

Nếu bạn thừa cân, mắt cá chân sẽ chịu nhiều áp lực, dẫn đến tình trạng giữ nước xung quanh các khớp gây sưng mắt cá chân. Ngoài ra, béo phì gây viêm và việc lưu trữ các hormone dư thừa trong tế bào mỡ thừa làm thay đổi nội tiết tố cũng có thể gây ra tình trạng giữ nước. 

PHÒNG TRÁNH SƯNG PHÙ MẮT CÁ CHÂN.

Sưng phù mắt cá chân có thể do nhiều nguyên nhân khiến chúng ta khó có thể kiểm soát hết được. Nikenko mách bạn một số biện pháp có thể thực hiện để giảm thiểu được tình trạng sưng mắt cá chân như sau:

  • Thường xuyên tập thể dục với các bài tập cường độ nhẹ như đi bộ, xoay khớp cổ chân để tăng độ dẻo dai cho bàn chân và khớp cổ chân.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo, giảm lượng đường, muối tiêu thụ mỗi ngày.
  • Hạn chế ngồi hoặc đứng quá lâu, nên di chuyển để máu được lưu thông và tránh khớp cổ chân bị căng cứng quá lâu.

 

Ảnh minh họa: Nên thường xuyên tập thể dục, nhất là đi bộ để phòng tránh sưng phù mắt cá chân

 

Tóm lại, khi có dấu hiệu bị sưng phù mắt cá chân, bạn nên tới bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt. Mặc dù đa số các nguyên nhân đều không nguy hiểm, tuy nhiên, một số bệnh lý tiềm ẩn có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí là đe dọa tới tính mạng.

Nikenko hy vọng thông qua những chia sẻ này, người bệnh có thể cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.