Rung nhĩ hay rung tâm nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim thường gặp. Tỷ lệ mắc bệnh rung nhĩ tăng dần theo tuổi tác, nhất là sau tuổi 60. Khi bị rung nhĩ, chức năng bơm máu của tim bị giảm mạnh, từ đó các cơ quan, đặc biệt là não không được cung cấp đủ máu, thậm chí có nguy cơ đột quỵ não do cục máu đông.
1. Bạn biết gì về rung nhĩ?
Rung nhĩ là một hình thái rối loạn nhịp tim bất thường do tâm nhĩ đập quá nhanh, không đều hoặc không đồng bộ với nhịp đập của 2 buồng tâm thất.
Thông thường, cơ tim co bóp được là nhờ xung điện kích thích đều đặn được phát ra từ nút xoang - nút chủ nhịp của tim. Nút xoang được cấu tạo từ tập hợp của các tế bào cơ tim biệt hóa đặc biệt, có vị trí nằm phía trên tâm nhĩ phải. Xung động điện từ nút xoang phát ra một cách đều đặn sẽ được lan truyền từ tâm nhĩ trước, làm cho tâm nhĩ đang chứa máu co lại, đẩy máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Xung động điện dẫn tới tâm thất cũng làm cho 2 buồng tâm thất co lại, đẩy máu lên phổi và các các cơ quan. Cứ thế, tim hoạt động co bóp nhịp nhàng.
Ở bệnh nhân rung nhĩ, xung động điện không xuất phát từ nút xoang mà có thể xuất phát từ nhiều vị trí khác nhau của 2 buồng tâm nhĩ. Điều này làm cho tâm nhĩ không thể co bóp nhịp nhàng mà hoạt động ở “trạng thái rung”. Điều này khiến tim hoạt động bơm máu từ tim ra ngoài không hiệu quả nên máu có xu hướng ứ lại trong tâm nhĩ, tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành. Sau đó cục máu đông được tim bơm ra ngoài sẽ đến các hệ thống mạch máu, nếu nó đi qua động mạch cảnh và bị kẹt lại ở đó sẽ gây ra tình trạng đột quỵ.
Khi bị rung nhĩ, bệnh nhân thường có cảm giác hồi hộp, mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực, tim đập nhanh, chóng mặt…nhưng đôi khi lại không có triệu chứng nào.
Rung nhĩ có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng suy tim, đột quỵ hoặc tắc mạch các bộ phận khác của cơ thể, thường xảy ra ở người cao tuổi và làm tăng gấp đôi tỷ lệ tử vong. Nguy cơ thuyên tắc mạch não do tim (bởi cục máu đông) ở bệnh nhân rung nhĩ cao hơn gấp 4 - 5 lần so với bệnh nhân không rung nhĩ.
Rung nghĩ làm tắc mạch thường gặp nhất là cục máu đông gây tắc động mạch chi dưới, động mạch thận, gây thiếu máu hệ thống cục bộ dẫn đến hoại tử, làm chất lượng cuộc sống của người bệnh bị giảm sút đáng kể.
2. Mối quan hệ chặt chẽ giữa rung nhĩ và đột quỵ.
Theo nghiên cứu lâm sàng, rung nhĩ chiếm tỷ lệ 1/5 các nguyên nhân gây ra đột quỵ não. Ngược lại, đột quỵ não cũng là biến chứng huyết khối gây tắc mạch nặng nhất của bệnh rung nhĩ.
Cục máu đông từ tim bong ra do rung nhĩ có thể di chuyển đến mạch máu não. Nếu bị mắc lại, nó có thể gây tắc nghẽn mạch máu, làm ngưng trệ tuần hoàn não. Tình trạng này được gọi là đột quỵ thuyên tắc mạch não do tim (nhồi máu não).
Đột quỵ não bởi bệnh rung nhĩ thường nghiêm trọng hơn so với đột quỵ do xơ cứng động mạch. Nó có khả năng gây rối loạn chức năng chi nghiêm trọng hơn và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.
3. Đối tượng nào dễ mắc bệnh rung nhĩ và đột quỵ do rung nhĩ?
Theo số liệu y tế thống kê, rung nhĩ thường hay gặp ở người già do sự thay đổi cấu trúc cơ tim như xơ cứng cơ tim, nhất là bệnh nhân trên 65 tuổi. Ngoài ra, một số bệnh thường có rung nhĩ và dễ biến chứng gây đột quỵ não như:
- Bệnh suy tim, van tim (van hai lá do thấp), bệnh tim do mạch vành, viêm màng hoặc cơ tim...
- Tăng huyết áp (đặc biệt là tăng huyết áp có dày thất trái)
- Bệnh đái tháo đường, béo phì, bệnh động mạch...
- Người có tiền sử đột quỵ…
4. Điều trị rung nhĩ và phòng ngừa đột quỵ do rung nhĩ như thế nào?
Nguy cơ lớn nhất của bệnh nhân rung nghĩ là tắc mạch máu não.
Việc sử dụng thuốc chống đông máu đường uống hiện là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa biến chứng cục máu đông gây tắc mạch của rung nhĩ. Tuy nhiên, người sử dụng cần được đánh giá nguy cơ thuyên tắc mạch do huyết khối và nguy cơ chảy máu trước khi sử dụng, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ.
Phục hồi nhịp xoang (nhịp tim bình thường) và kiểm soát nhịp thất nhanh bằng thuốc hoặc các biện pháp can thiệp qua da hay phẫu thuật...
Bệnh nhân rung nhĩ cũng cần xây dựng biện pháp chăm sóc và phòng ngừa như: bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu, tránh các chất có caffein như cà phê, cola, trà và một số loại thuốc không kê đơn. Tăng cường hoạt động thể chất và tập thể dục thể thao.
Khám và theo dõi định kỳ để kiểm soát các yếu tố nguy cơ : suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì,…để phòng ngừa hoặc phát hiện sớm bệnh rung nhĩ.