Cao huyết áp ảnh hưởng đến tim mạch như thế nào?

Cao huyết áp một căn bệnh tiến triển âm thầm nhưng vô cùng nguy hiểm. Một căn bệnh đã, đang và sẽ là mối quan ngại của tất cả mọi người bởi tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng ngày càng tăng. Cụ thể cao huyết áp ảnh hưởng đến tim mạch như thế nào và mối nguy hiểm của nó ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về bệnh cao huyết áp.

1. HUYẾT ÁP LÀ GÌ? NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HUYẾT ÁP


Trước hết chúng ta cần phải hiểu huyết áp là gì. Huyết áp là áp lực tác động của dòng máu lên thành động mạch. Nó được tạo ra nhờ sự co bóp của tim và sức cản của thành mạch máu, là thứ tồn tại tất yếu để duy trì sự sống con người.

Huyết áp của một người có thể thay đổi ở nhiều thời điểm khác nhau. Nhưng sự thay đổi này thường không đáng kể hoặc nằm ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên nếu huyết áp quá cao hoặc quá thấp dễ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch nếu kéo dài. 

Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến huyết áp:

Một là: do lực co bóp của tim.

Hai là: thể tích máu trong lòng mạch.

Ba là: độ đàn hồi của thành mạch máu.

Bất kỳ tác động nào làm thay đổi một trong ba yếu tố trên cũng làm ảnh hưởng đến huyết áp. Ví dụ như cơ tim co bóp càng mạnh, độ nhớt máu tăng thì huyết áp càng tăng. Độ nhớt trong máu thấp hoặc mất máu, thiếu máu đều có thể làm huyết áp giảm.

Cao huyết áp ảnh hưởng đến tim mạch

2. HUYẾT ÁP NHƯ THẾ NÀO THÌ GỌI LÀ CAO?

Huyết áp của một người khỏe mạnh bình thường dao động ở khoảng 90/60mmHg – 139/89mmHg. Trong đó số đứng trước thể hiện huyết áp tâm thu, tức là áp lực lúc tim co bóp đẩy máu vào trong lòng mạch. Số đứng sau là huyết áp tâm trương khi tim nghỉ (không co bóp). Nếu người có chỉ số huyết áp từ 140/90mmHg trở lên thì gọi là huyết áp cao hoặc tăng huyết áp.

Cao huyết áp thường diễn ra âm thầm, triến triển trong nhiều năm mà không có hoặc có rất ít dấu hiệu cảnh báo. Một số triệu chứng thường gặp của cao huyết áp thoáng qua như: đau đầu, chóng mặt, hồi hộp, đau ngực... Tuy nhiên người mắc bệnh dễ bỏ lỡ hoặc thường nhầm lẫn chúng với những bệnh lý khác. Dẫn đến việc phát hiện muộn và gia tăng tỷ lệ biến chứng thành bệnh tim mạch. 

3. TẠI SAO CAO HUYẾT ÁP ẢNH HƯỞNG ĐẾN TIM MẠCH?

Huyết áp và tim mạch có mối quan hệ rất chặt chẽ và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Khi tim co bóp đưa máu vào lòng mạch, đồng thời tạo ra huyết áp. Huyết áp sẽ gây áp lực lên thành động mạch để vận chuyển máu từ tim đến các mô. Thành động mạch có sự co giãn nhất định để máu lưu thông dễ dàng và duy trì huyết áp trong ngưỡng phù hợp.

Khi bị cao huyết áp, lực bơm máu tác động lên thành động mạch lớn, đồng nghĩa lực co bóp của tim phải lớn hơn. Chính vì thế, cao huyết áp diễn ra trong thời gian dài dễ làm thay đổi cấu trúc tim và tổn thương thành động mạch. Từ đó gây ra các bệnh lý có hại cho sức khỏe.

Huyết áp càng cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng nhiều

4. ẢNH HƯỞNG CỦA CAO HUYẾT ÁP ĐẾN TIM MẠCH

Một số ảnh hưởng của cao huyết áp đến tim mạch cụ thể là:

Cao huyết áp ảnh hưởng đến tim.

Thực tế cho thấy, có tới 90% bệnh nhân suy tim là do cao huyết áp.

Khi huyết áp cao tức là lực tác động lên thành động mạch lớn. Đồng nghĩa với tim phải làm việc nhiều hơn và co bóp mạnh hơn để có thể vượt qua sự ngăn cản của thành động mạch và bơm máu đến các mô. Chính vì thế mà cơ tim phải phát triển dày lên, lâu ngày làm biến đổi cấu trúc tim.

Nếu cao huyết áp kéo dài trong khoảng từ 3 đến 5 năm mà không được kiểm soát tốt sẽ dễ dẫn đến rối loạn chức năng và hệ thống dẫn truyền tim. Gây nên các cơn đau tim, rối loạn nhịp tim, suy tim,…

Cao huyết áp ảnh hưởng đến động mạch

Ở người bệnh cao huyết áp, dòng máu có áp lực cao liên tục tác động lên thành mạch máu có thể gây tổn thương các tế bào nội mạc, làm chúng mất đi chức năng bảo vệ thành mạch. Sự thay đổi này kéo theo sự dày lên của thành mạch máu, làm giảm đàn hồi, tăng tích tụ cholesterol tại động mạch vành và gây nên xơ vữa động mạch. Nếu các mảng xơ vữa này bong ra và di chuyển trong lòng mạch máu kèm cục máu đông dễ gây bít tắc mạch máu, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Ngoài ảnh hưởng lên tim mạch, cao huyết áp còn làm ảnh hưởng và suy giảm chức năng của một số cơ quan khác như:

- Ảnh hưởng đến mắt: làm vỡ mạch máu, chảy máu trong mắt, gây mờ mắt hoặc mù lòa

- Phá hủy bộ lọc ở cầu thận: làm thận không thể đào thải chất độc và lượng nước dư thừa, là nguyên nhân chính suy thận mạn nếu không được điều trị tốt

- Ảnh hưởng não bộ: cao huyết áp là yếu tố có khả năng làm suy giảm trí nhớ và nhận thức, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não do đứt mạch máu và xuất huyết.

5. CẦN LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG NGỪA BỆNH CAO HUYẾT ÁP VÀ TIM MẠCH

Hầu hết các trường hợp cao huyết áp đều chưa rõ nguyên nhân. Nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra cao huyết áp có liên quan đến tuổi tác và chế độ sống của con người. Do đó, để sớm phòng ngừa cao huyết áp và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe tim mạch chúng ta cần:

- Giảm lượng muối trong các bữa ăn hàng ngày là yếu tố then chốt giúp phòng ngừa bệnh tim mạch.

- Ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc và các loại đậu.

- Hạn chế thức ăn nhanh hoặc thực phẩm đóng gói vì chúng chứa hàm lượng muối cao và các chất bảo quản không có lợi cho sức khỏe.

- Không sử dụng nhiều cà phê, thuốc lá và bia rượu để tránh nguy cơ xơ cứng động mạch và tăng huyết áp.

- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, tránh thức khuya và làm việc quá độ

Ngoài ra, có thể sử dụng các viên uống bổ sung tốt cho huyết áp và sức khỏe tim mạch để duy trì huyết áp ổn định. Thường xuyên theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị cao huyết áp kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Giảm lượng muối và thường xuyên luyện tập thể dục để phòng ngừa cao huyết áp