Làm thế nào để phòng ngừa bệnh Alzheimer?

Alzheimer là một loại bệnh làm mất trí nhớ, tương đối phổ biến ở người cao tuổi. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và chưa có thuốc đặc trị. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh Alzheimer? Mời các bạn tham khảo những thông tin dưới đây.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh Alzheimer

TÌM HIỂU VỀ BỆNH ALZHEIMER


Bệnh Alzheimer (Alzheimer's disease, AD) là một loại bệnh thoái hóa của hệ thần kinh trung ương. Nó được biểu hiện qua việc suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức, suy giảm ngôn ngữ và thay đổi tính cách ở người bệnh. Bệnh khởi phát âm thầm, khó nhận biết và là bệnh mãn tính chưa có thuốc điều trị.

Người bệnh Alzheimer bị ảnh hưởng nhiều đến hệ thống thần kinh, rất dễ bị trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm thần. Từ đó ảnh hưởng lớn đến gia đình, nghề nghiệp và sinh hoạt. Hơn nữa bệnh tình sẽ càng trầm trọng theo thời gian. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể lú lẫn, đi lạc ở nơi quen thuộc, mất dần khả năng giao tiếp, không thể tự chăm sóc bản thân và cuối cùng là dẫn đến tử vong.

NGUYÊN NHÂN SINH BỆNH ALZHEIMER

Nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer bao gồm các cơ chế sinh bệnh khác nhau và chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy căn bệnh này có liên quan đến các mảng và đám rối sợi thần kinh trong não. Một số giả thuyết về nguyên nhân bệnh Alzheimer như sau:

Một là: do sự gấp nếp sai lệch của phân tử protein, làm tích tụ amylois và hình thành các mảng bám độc tố, ngăn cản và làm ảnh hưởng đến chức năng não bộ.

Hai là: ty thể suy thoái cùng với sự rối loạn của quá trình sản xuất và hoạt động của các chất chống oxy hóa trong cơ thể. Hệ thống phòng chống oxy hóa không đủ, dẫn đến hoạt động mạnh của các gốc tự do (stress oxy hóa). Nhiều nghiên cứu cho rằng stress oxy hóa có thể là một trong những thay đổi sớm nhất ở bệnh Alzheimer.

Người mắc bệnh Alzheimer có thể khủng hoảng lo âu và trầm cảm

CÁC YẾU TỐ LÀM TĂNG NGUY CƠ BỆNH ALZHEIMER


Tác động của các yếu tố môi trường, xã hội làm biến đổi cơ sở di truyền, rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng chính là nguyên nhân thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra sớm hơn. Một số yếu tố làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer:

Tuổi tác: Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh Alzheimer, nhất là những người từ 65 tuổi trở lên.

Chấn thương đầu: Những người có tiền sử chấn thương đầu hoặc bị suy giảm nhận thức nhẹ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn rất nhiều.

Chế độ ăn uống: Người có chế độ ăn uống không lành mạnh như uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, ăn quá nhiều dầu mỡ, chất béo bẽo hòa thay vì ăn nhiều rau xanh và trái cây.
Mắc bệnh về tim mạch: Mối quan hệ giữa não và tim là không thế tách rời. Mỗi nhịp tim bơm khoảng 25% máu lên não và các tế bào não sử dụng ít nhất là 20% chất dinh dưỡng và oxy mà máu mang theo. Vì vậy nếu tim hoạt động đình trệ thì não là cơ quan phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ít vận động: các nghiên cứu cho thấy mức độ hoạt động thể chất của bạn có thể ảnh hưởng đến nguy cơ suy giảm trí nhớ. Nhất là những người ngồi làm văn phòng hoặc thường xuyên căng thẳng công việc, lười tập thể dục thể thao.

Hoạt động thể dục thể thao giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

CÁCH NGĂN NGỪA BỆNH ALZHEIMER


Lão hóa não là quy luật tự nhiên không thể cưỡng lại. Tuy nhiên có thể sử dụng những biện pháp làm chậm quá trình lão hóa não. Ngăn chặn việc hình thành các mảng và đám rối sợi thần kinh. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa, hạn chế nguy cơ bệnh Alzheimer như sau:

Biện pháp dinh dưỡng: xây dựng thói quen ăn uống tốt, đầy đủ dinh dưỡng và hợp lý, không nên sử dụng rượu bia, chất kích thích. Ăn nhiều cá, rau xanh (bina, cải..), quả mọng như việt quất, dâu tây… và các loại hạt có tác dụng rất tốt để làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ, bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi hư hại bởi các tác động từ bên ngoài.

Biện pháp thể thao: duy trì luyện tập thể dục, tham gia các hoạt động ngoài trời. Hoặc vận động nhẹ nhàng, thông minh có thể trì hoãn quá trình lão hóa não và đóng vai trò tích cực trong việc ngăn ngừa bệnh Alzheimer.

Biện pháp cảm xúc: Tạo môi trường tâm lý xã hội thuận lợi cho người cao tuổi. Khuyến khích dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn, giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng quá mức. Việc nghe nhạc, thường xuyên trò chuyện với bạn bè và người thân cũng giúp cải thiện chức năng ngôn ngữ và trí nhớ.

Biện pháp giải trí: Luyện tập thói quen não bộ bằng cách tham gia các hoạt động đọc sách, chơi nhạc cụ, chơi trò chơi liên quan trí tuệ để duy trì sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần.

Phòng ngừa các bệnh lý khác: duy trì ổn định tim mạch, tránh chấn thương sọ não và các bệnh mãn tính liên quan cũng là một phương pháp để hạn chế nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Sử dụng thực phẩm bổ sung: Liệu pháp chống oxy hóa đã nhận được sự quan tâm đáng kể, như một phương pháp đầy hứa hẹn để làm chậm sự phát triển của bệnh Alzheimer. Vì vậy, sử dụng các loại thực phẩm bổ sung chống lão hóa, thực phẩm hỗ trợ trí não, tăng cường khả năng ghi nhớ như: CoQ10, DHA/ EPA, Vitamin C, Vitamin E,... cũng là cách phòng chống Alzheimer hữu hiệu. Lưu ý, vì sản phẩm không phải là thuốc nên không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng.

Người bệnh Alzheimer cần được quan tâm và thường xuyên trò chuyện

Những nghiên cứu dài hạn đã chứng minh rằng các yếu tố gây nên bệnh Alzheimer có liên quan nhiều đến lối sống thường ngày của con người. Do đó, việc phòng ngừa bệnh Alzheimer cần được thực hiện duy trì và liên tục. Ngoài ra, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên để phát hiện những dấu hiệu bất thường và có liệu pháp điều trị bệnh Alzheimer phù hợp.