Nhận biết các dạng đột quỵ não và cách phòng ngừa

Đột quỵ não là một bệnh lý tổn thương não do tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu não đột ngột, khiến não bị thiếu hụt oxy và các chất dinh dưỡng. Trong vòng vài phút, các tế bào não sẽ chết dần đi và xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm. Người đột quỵ có thể liệt tứ chi, liệt nửa người, thậm chí tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

1. Nhận biết các dạng đột quỵ não thường gặp

Đột quỵ não được chia ra làm hai dạng chính là nhồi máu não (tắc nghẽn mạch máu não) và xuất huyết não (vỡ mạch máu não). Trong đó, đột quỵ do nhồi máu não chiếm khoảng ¾ trường hợp, ¼ trường hợp còn lại là đột quỵ xuất huyết não.

Đột quỵ thiếu máu cục bộ và xuất huyết não

1.1 Đột quỵ do nhồi máu não

Dựa trên tiêu chuẩn TOAST (Hệ thống phân loại nhồi máu não theo cơ chế bệnh sinh) thường có 3 nguyên nhân phổ biến gây đột quỵ nhồi máu não là:

Do mảng xơ vữa động mạch lớn

Tắc nghẽn mạch máu nhỏ

Thuyên tắc mạch não do tim

Đột quỵ do nhồi máu não

- Các mảng xơ vữa động mạch lớn làm tắc mạch.

Nhiều báo cáo y học cho thấy việc hình thảnh các mảng xơ vữa động mạch có liên quan đến các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường và mỡ máu cao trong thời gian dài.
Các căn bệnh này sẽ làm nội mạc động mạch bị tổn thương khiến chúng dày lên, thành mạch dần trở nên xơ cứng, dễ tích tụ các mảng xơ vữa và thu hẹp đường kính mạch máu gây cản trở quá trình cung cấp oxy và chất dinh đưỡng đến não. Nếu mảng xơ vữa làm tắc một nhánh động mạch trong não sẽ gây ra đột quỵ.

- Cơn đột quỵ não do tắc nghẽn mạch máu nhỏ.

Thông thường những cơn đột quỵ nhỏ thường do nguyên nhân này.

Các mạch máu nhỏ dần bị thu hẹp do tuổi tác hoặc bệnh lý. Trong trường hợp mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn sẽ dễ gây đột quỵ (nhồi máu não ổ khuyết), diện tích mô não bị tổn thương thường nhỏ và có ít nguy cơ tử vong.

- Đột quỵ nhồi máu não vì thuyên tắc mạch não do tim.

Một số bệnh về tim như rối loạn nhịp tim, bệnh van tim hoặc nhồi máu cơ tim, thấp tim hay phẫu thuật tim… có thể tạo ra các cục máu đông trong tim.

Cục máu đông hình thành trong tim được bơm đến các mạch máu khác nhau của cơ thể. Nếu gặp mạch máu có lòng mạch hẹp hơn, cục máu đông có thể bị mắc lại, gây ra tình trạng tắc nghẽn mạch máu.

Nếu điều này xảy ra ở não, các tế bào não không nhận được oxy và chất dinh dưỡng kịp thời sẽ bị chết đi, đây được gọi là đột quỵ thuyên tắc mạch não do tim.

Đột quỵ não do xơ vữa mạch máu

1.2 Đột quỵ xuất huyết não

Đột quỵ xuất huyết não là tình trạng các mạch máu trong não bị vỡ do bị tổn thương, máu thoát khỏi thành mạch và đột ngột tràn vào bên trong não làm tổn thương mô não. Mặc dù ít gặp hơn đột quỵ nhồi máu não nhưng đột quỵ xuất huyết lại có tỷ lệ tử vong cao hơn.

Đột quỵ xuất huyết não có nhiều nguyên nhân như dị dạng mạch não, chấn thương đầu, chứng phình động mạch, vỡ các mạch máu nhỏ trong não khi bị tổn thương hoặc bệnh tăng huyết áp lâu ngày, rối loạn xuất huyết… 

Tùy vào vị trí chảy máu mà đột quỵ xuất huyết được chia làm 2 loại là xuất huyết nội sọ và xuất huyết dưới nhện. Đối với tình trạng xuất huyết não do vỡ túi phình động mạch não thường gây xuất huyết dưới nhện, đây cũng là dạng đột quỵ có tỷ lệ tử vong cao nhất.

2. Triệu chứng của đột quỵ

Các triệu chứng của đột quỵ não rất đa dạng với những biểu hiện lâm sàng khác nhau ở những phần não khác nhau. Những biểu hiện thường gặp nhất là: tê liệt nửa người, méo miệng, nói không rõ, đột ngột thay đổi về ý thức, sa sút tinh thần, thị lực kém, mất nhận thức về không gian và định hướng.

Một số triệu chứng khác như suy nghĩ chậm chạp, khó tư duy, chậm chạp, run rẩy khi bước đi, khó thở hoặc hôn mê nếu nghiêm trọng. Vì vậy nếu các triệu chứng trên xảy ra đột ngột thì đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Cần nhanh chóng đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và điều trị.

Phòng ngừa đột quỵ não bằng cách kiểm soát huyết áp

3. Cách phòng ngừa đột quỵ não

Đột quỵ có liên quan đến giới tính, độ tuổi, và một số bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, tăng mỡ máu, xơ cứng động mạch,…Nếu gia đình có người thân từng bị đột quỵ thì khả năng bạn bị đột quỵ não sẽ cao hơn.

Tuy nhiên yếu tố môi trường và lối sống mới chính là nguyên nhân thực sự gây ra hầu hết các cơn đột quỵ hiện nay. Vì vậy, để chủ động phòng ngừa đột quỵ não bạn cần:

- Xây dựng chế độ ăn hợp lý, giảm muối, đường, kiểm soát cân nặng.

- Tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên với cường độ vừa phải.

- Thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học, không thức khuya, làm việc căng thẳng quá sức.

- Không hút thuốc lá, hạn chế thức uống có cồn như bia, rượu.

- Theo dõi và điều trị đúng hướng dẫn của bác sĩ các bệnh lý nền như cao huyết áp, bệnh tim mạch, xơ vữa mạch máu…để phòng ngừa đột quỵ.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe để nhận biết sớm nguy cơ đột quỵ não cũng là một trong những phương pháp phòng tránh đột quỵ hiệu quả mà bạn cần ghi nhớ.