DHA là gì? Tổng quan về axit béo không bão hòa DHA

DHA là gì? Tổng quan về axit béo DHA

Cuối những năm 1980, các nhà khoa học đã phát hiện ra DHA là một nguyên tố chính cho sự phát triển và duy trì của các tế bào trong hệ thần kinh và võng mạc. Đồng thời DHA cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển trí thông minh và khả năng ghi nhớ của con người.

DHA LÀ GÌ?

DHA là tên gọi tắt của axit Docosahexaenoic, thuộc dòng axit béo không bão hòa đa Omega 3 bao gồm DHA, EPA và ALA.
Các axit béo không bão hòa có trong cơ thể con người được chia làm 4 loại là: Omega 3, Omega 6, Omega 7 và Omega 9. Trong đó Omega 7 và Omega 9 thuộc nhóm axit béo không bão hòa đơn (monounsaturated fatty acid, viết tắt là MUFA) cơ thể có thể tổng hợp được hoặc dễ dàng hấp thụ trong chế độ ăn uống. Ngược lại Omega 3 và Omega 6 là loại axit béo không bão hòa đa (PUFAs) còn được gọi là axit béo thiết yếu mà cơ thể con người không thể sản sinh, phải được lấy từ chế độ ăn uống hàng ngày.
DHA là một axit béo Omega 3 thường được tìm thấy trong loài cá nước lạnh hoặc trong dầu cá biển sâu. Một lượng lớn DHA cũng được phát hiện trong tế bào não bộ, tế bào võng mạc và sữa mẹ. Đây là thành phần chính cấu tạo nên màng tế bào.

NGUỒN CUNG CẤP DHA

DHA và EPA đều được tìm thấy chủ yếu trong các loài sinh vật biển, nhất là các loại cá béo nước lạnh. Nguồn gốc DHA bắt đầu từ tảo biển và sinh vật phù du thực vật (được cho là nguồn chứa axit béo Omega 3 chính). Trong quá trình hình thành chuỗi thức ăn, cá nhỏ ăn sinh vật phù du, sau đó cá lớn ăn cá nhỏ và các quá trình tiêu hóa của cá sẽ chuyển hóa axit α-linoleic thành 2 dạng DHA/ EPA và tích lũy trong cá. Nhờ chuỗi thức ăn trong biển, cá sẽ chứa nhiều DHA, nhất là mỡ ở hốc mắt và dầu cá. Ngoài ra các loại hải sản biển, trứng cũng là nguồn cung cấp DHA tốt, dễ dàng sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày.

CÔNG DỤNG CỦA DHA

1. Thúc đẩy sự phát triển của các tế bào não

DHA là thành phần chính của tế bào dẫn truyền thần kinh và cũng là thành phần chính cấu tạo nên màng tế bào. Phần lớn DHA không được tiêu hóa bởi dịch vị mà là đi trực tiếp vào máu và được các cơ quan như não, gan hấp thụ. Nguyên nhân chính là bởi vì DHA có khả năng đi qua hàng rào máu não (BBB) khi những axit béo Omega 3 khác không thể đi qua.

2. Tốt cho mắt, cải thiện tầm nhìn

DHA rất quan trọng đối với các tế bào cảm thụ ánh sáng trong võng mạc. Tương tự ở hàng rào máu não, DHA cũng có khả năng xuyên qua hàng rào võng mạc ở mắt. Giúp làm mềm các tế bào võng mạc và kích thích các tế bào cảm thụ ánh sáng và truyền thông tin đến não nhanh chóng. Từ đó nâng cao hiệu ứng thị giác.

3. Tác dụng chống viêm

Viêm là một quá trình quan trọng dẫn đến tổn thương tế bào, nhất là tế bào thần kinh và tế bào tim. DHA có khả năng ức chế sự hình thành của các tiền chất gây viêm và làm giảm các oxy phản ứng nội bào (ROS). Một nghiên cứu mới kết luận dường như EPA và DHA hoạt động khác nhau khi giải quyết chứng viêm mãn tính. Trong đó nêu rõ DHA không chỉ có tác dụng chống viêm mạnh, thậm chí còn có khả năng mạnh hơn EPA.

4. DHA giảm mỡ máu, ngăn ngừa bệnh tim mạch

Theo lời khuyên của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association (AHA)) bổ sung các axit béo Omega 3 được xem là một lựa chọn hiệu quả và an toàn để cắt giảm chất béo trung tính. DHA có khả năng làm giảm triglyceride và cholesterol trong máu, giúp ngăn ngừa sự hình thành huyết khối, giảm tỷ lệ thiếu máu cục bộ ở tim và tốt cho bệnh nhân suy tim.

5. Tốt cho người bệnh Alzheimer

Quá trình lão hóa của tuổi tác sẽ làm lượng DHA trong não giảm dần, đồng nghĩa với người cao tuổi dễ bị suy giảm chức năng của não. DHA đã được chứng mình là có liên quan đến việc bảo vệ và làm tăng tuổi thọ của tế bào thần kinh, giảm viêm nhiễm và nguy cơ suy giảm nhận thức ở người già. DHA cũng có tác dụng tốt cho người bệnh Alzheimer ở mức độ nhẹ.

6. DHA tốt cho thai nhi

Theo báo cáo, thai nhi bắt đầu tích lũy DHA ở não từ khi trong cơ thể mẹ. Tốc độ tích lũy nhanh nhất ở 3 tháng đầu của thai kỳ và 3 tháng sau khi bé sinh. Lượng DHA này đến từ nguồn dinh dưỡng mà mẹ cung cấp, và sữa mẹ là nguồn cung cấp DHA tự nhiên, đầy đủ và tốt nhất cho bé. Do vậy trẻ sơ sinh bú sữa mẹ sẽ nhận được nhiều DHA hơn, giúp trẻ thông minh và phát triển tốt hơn.

Công dụng của DHA đối với sức khỏe

Ảnh minh họa: Vai trò của DHA đối với sức khỏe

HÀM LƯỢNG DHA NÊN BỔ SUNG

Hiện tại chưa có tiêu chuẩn cụ thể nào về lượng DHA được bổ sung trong một ngày. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu khuyến khích việc tiêu thụ DHA được cho là lý tưởng nhất nằm trong khoảng 0.5 – 1g DHA/ngày và nên bổ sung từ 3-5 lần/ tuần. Nếu hàm lượng DHA thiếu hụt có thể dẫn đến khả năng học tập kém, sự dẫn truyền thần kinh chậm chạp hoặc không chính xác, suy giảm khả năng ghi nhớ,…
Hiện nay chưa có trường hợp nào báo cáo bị ngộ độc do sử dụng nhiều DHA. Tuy nhiên nếu sử dụng DHA ở liều cao có thể gặp các tác dụng phụ như tiêu chảy, béo phì, ợ chua, mệt mỏi,… 
DHA nhạy cảm với không khí và ánh sáng, dễ bị oxy hóa. Do đó nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và không để quá lâu khi bảo quản.

LỜI KẾT

Chế độ bổ sung DHA tốt nhất là nên ăn nhiều cá, nhất là đáp ứng chế độ ăn cá béo 2 lần/ tuần. Các chuyên gia cũng chỉ ra nên chọn các loại cá có vảy sáng bóng hoặc lưng xanh vì chúng chứa nhiều DHA. Nhất là một số loại cá như cá thu, cá mòi, cá hồi, cá trích, cá ngừ,… Ngoài ra nếu bạn lựa chọn bổ sung DHA bằng các chế phẩm dạng uống, hãy tham khảo kỹ thành phần sản phẩm. Chỉ chọn sản phẩm có chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Viên uống hỗ trợ tăng cường trí nhớ Mamori DHA & EPA