Mất trí nhớ, những điều bạn cần biết và cách phòng ngừa

Mất trí nhớ là gì và cách phòng ngừa mất trí nhớ

Trí nhớ là khái niệm đề cập đến khả năng ghi nhớ, lưu trữ và tái hiện lại những gì cá nhân thu được trong hoạt động sống của mình. Sự giảm hụt hoặc đột ngột mất đi (một phần hoặc hoàn toàn) các thông tin lưu trữ này được hiểu là chứng mất trí nhớ.

Phân loại trí nhớ

Bộ não chúng ta sử dụng các phần khác nhau để quản lý các loại trí nhớ khác nhau. Có hai loại trí nhớ chính là trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Tùy vào trường hợp cụ thể mà hai loại trí nhớ này sẽ có sự thay đổi hoặc mất đi trí nhớ.
- Trí nhớ ngắn hạn: lưu trữ lượng thông tin hạn chế trong một khoảng thời gian ngắn, giúp cơ thể chúng ta có thời gian cần thiết để nhận thức và phân tích thông tin bên ngoài. Trí nhớ ngắn hạn là trí nhờ nhiều nhất và yếu nhất.
- Trí nhớ dài hạn: lưu trữ lượng thông tin lớn, phức tạp trong một thời gian dài. Khi nghĩ về trí nhớ, hầu hết người ta đều nói về trí nhớ dài hạn. Tuy nhiên ngay cả trong trí nhớ dài hạn cũng có sự phân biệt thành 2 dạng chính là trí nhớ có thể tường thuật lại (bạn có thể nhớ một sự kiện gì đó đã xảy ra và kể lại chúng) và trí nhớ tiềm ẩn (ví dụ việc bạn biết đi xe đạp, ngay cả khi bạn không đi xe trong nhiều năm thì bạn vẫn có thể chạy xe đạp).

Mất trí nhớ là gì, các triệu chứng của việc suy giảm trí nhớ

Khi bạn quên tên của một điều gì đó hoặc sự việc xảy ra vào một thời gian nhất định, bộ não không thể đi đến nơi có chứa ký ức và quên mất việc quan trọng. Điều này trong bệnh lý gọi là suy giảm trí nhớ hoặc mất trí nhớ. Một số triệu chứng thường gặp của mất trí nhớ là:
Thường xuyên bị mất đồ vật cá nhân
Gặp khó khăn khi tìm từ ngữ để diễn tả
Đặt những câu hỏi giống nhau, lặp lại hoặc kể một câu chuyện nhiều lần
Không nhớ mình đã làm điều gì đó
Mất phương hướng hoặc bị lạc ở nơi quen thuộc
Quên mất ngày tháng năm trong tuần
Không nhớ các cuộc hẹn hoặc các ngày sự kiện quan trọng

Các loại mất trí nhớ: tạm thời và vĩnh viễn

Mất trí nhớ tạm thời là trạng thái mất thông tin không do một vấn đề thần kinh nào, sau một khoảng thời gian ngắn bạn có thể nhớ lại bình thường. Chẳng hạn như bạn không nhớ tên ai đó, nhưng bạn sẽ nhớ vào ngày hôm sau.
Mất trí nhớ vĩnh viễn là khi bạn mất đi những ký ức không thể khôi phục được. Ví dụ bạn không thể nhớ mình cất món đồ quan trọng ở đâu, kể cả khi được nhắc lại nhưng vẫn không thể nhớ ra. Sẽ quên đi quá khứ của bạn, người bạn cũ hoặc những ngày kỷ niệm quan trọng mà bạn đã trải qua với người thân…

Căng thẳng stress có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ hoặc mất trí nhớ tạm thời

Ánh: Căng thẳng stress có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ hoặc mất trí nhớ tạm thời

Nguyên nhân gây mất trí nhớ

Có một số yếu tố khác nhau có thể gây mất trí nhớ như sau:

Suy giảm trí nhớ do các vấn đề về sức khỏe trong nhiều trường hợp có thể điều trị được. Tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc hoặc chế độ ăn uống nghèo nàn dinh dưỡng như vitamin nhóm B (B6, B9, B12) có thể gây mất trí nhớ tạm thời. Việc lạm dụng rượu bia, các chất kích thích hoặc mắc một số loại bệnh về gan, thận, thiếu máu, thiếu oxy lên não, não bị tổn thương, các vấn đề về cảm xúc như trầm cảm, lo lắng quá mức, stress,… cũng có thể gây mất trí nhớ tạm thời.

Mất trí nhớ do căng thẳng, lo lắng hoặc các vấn đề về cảm xúc: căng thẳng, lo lắng trong thời gian dài, sốc dữ dội, tức giận quá độ, mối đe dọa nguy hiểm,… cũng có thể làm bạn sốc và mất trí nhớ tạm thời. Một người vừa trải qua tai nạn giao thông buổi chiều có thể không nhớ được những gì họ làm vào sáng hôm đó. Mối đe dọa này khiến não bộ tập trung sự chú ý vào xúc cảm mạnh mẽ mà không thể xác định được những gì xảy ra ngoài tai nạn.

Suy giảm trí nhớ do tuổi tác và quá trình lão hóa bình thường: người lớn tuổi là nhóm người dễ bị ảnh hưởng về trí nhớ do khả năng học hỏi và chất lượng ký ức của người lớn tuổi giảm sút theo thời gian. Tuy nhiên, khi những vấn đề này xuất hiện rõ ràng đó có thể là trường hợp suy giảm nhận thức nhẹ hoặc sa sút trí tuệ.
Mất trí nhớ do suy giảm nhận thức nhẹ: là một sự rối loạn gây mất trí nhớ nhưng bệnh nhân vẫn có thể thực hiện được các hoạt động hàng ngày. Nghiên cứu cho thấy suy giảm nhận thức nhẹ có thể là dấu hiệu cơ sở của suy giảm trí tuệ Alzheimer. May mắn, không phải tất cả các trường hợp suy giảm nhận thức nhẹ đều trở thành Alzheimer.

Suy giảm nhận thức do sa sút trí tuệ: mặc dù sa sút trí tuệ không phải là hậu quả của quá trình lão hóa, song nó vẫn la một trong những vấn đề lớn thường hay gặp phải ở người lớn tuổi. Chứng sa sút trí tuệ thường biểu hiện đặc trưng với những vấn đề về nhận thức như trí nhớ, lời nói và hành vi. Có nhiều loại sa sút trí tuệ khác nhau nhưng phổ biến nhất là Alzheimer.

Mất trí nhớ do bệnh Alzheimer: đây là loại bệnh có liên quan đến một loại protein được gọi là Beta-amyloid tích tụ trong tế bào thần kinh não. Sự tích tụ và gấp cuộn sai của protein này tạo thành các mảng lão hóa, dần dần có thể làm cho thần kinh đó trở nên vô dụng, tạo ra sự suy giảm trí tuệ đáng kể. Người bệnh dễ dàng quên các vấn đề về định hướng như thời gian, ngày tháng, địa điểm kể cả các công việc hàng ngày. Mức độ nghiêm trọng của nó phụ thuộc vào trạng thái của người bệnh.

Nếu ở giai đoạn nhẹ Alzheimer có thể biểu hiện suy giảm trí nhớ như lạc ở nơi quen thuộc, bị ngắt kết nối với những cuộc trò chuyện hoặc hoạt động, gặp vấn đề về nhận biết ngày tháng năm và có thể có các biểu hiện chán nản hoặc thù ghét. Trong giai đoạn giữa sẽ dễ dàng nhận thấy các biển hiện như quên tên hoặc quên sự kiện mới xảy ra vài phút trước đó. Thường xuyên bị lạc hoặc khó khăn trong vấn đề giao tiếp, kể cả các vấn đề ăn uống, vệ sinh cũng có thể gặp khó khăn hoặc ảnh hưởng. Ở giai đoạn nặng của Alzheimer thì người bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào sự trợ giúp của những người xung quanh, khó khăn trong ăn uống hoặc hiểu các khái niệm cơ bản, khó nhận biết gia đình, bạn bè hoặc người thân, có hành động không phù hợp ở nơi công cộng,…

Uống nhiều rượu bia và sử dụng chất kích thích có thể làm mất trí nhớ

Ánh minh họa: Uống nhiều rượu bia và sử dụng chất kích thích có thể làm mất trí nhớ

Ngăn ngừa mất trí nhớ như thế nào?

Các yếu tố đã được chứng minh có thể làm chậm hoặc ngăn ngừa sự phát triển của các vấn đề trí nhớ hoặc Alzheimer đó là ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống cân bằng, tập luyện thể dục và hoạt động xã hội hoặc hoạt động rèn luyện nhận thức.

Bộ não cũng giống như cơ bắp, rèn luyện bộ não càng nhiều chúng sẽ càng khỏe và có khả năng ghi nhớ tốt hơn. Nếu bạn không cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho não bộ hoặc không luyện tập chúng thường xuyên hoặc không sử dụng các kỹ năng xã hội và nhận thức thì não có khả năng bị giảm chức năng hoặc dễ tổn thương.

Đọc sách và luyện tập não bộ thường xuyên  giúp có trí nhớ dẻo dai

Ánh minh họa: Đọc sách và luyện tập não bộ thường xuyên  giúp có trí nhớ dẻo dai

Những trò chơi trí não cũng giúp cho não kích thích hoạt động và tốt cho nhận thức. Rèn luyện trí não không chỉ giúp phát triển trí tuệ ở trẻ em và thanh thiếu niên mà còn cải thiện trí nhớ ở người lớn tuổi.
Kích thích chức năng nhận thức và rèn luyện cho chúng các khả năng nhận thức khác nhau như chú ý tập trung, khả năng ghi nhớ nhận thức, ngôn ngữ, khả năng điều hành,.. tăng cường sự kết nối chống suy thoái nhận thức.
Ngủ đủ giấc và đọc sách thường xuyên cũng giúp cải thiện trí nhớ. Tránh xa các thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc, chất kích thích và ma túy để tốt cho sức khỏe.
Nên giữ tinh thần thoải mái và phân công công việc hợp lý. Những người có tiền sử lo lắng, trầm cảm có xu hướng tập trung vào sai sót và nhầm lẫn, điều này có thể khiến họ suy nghĩ nhiều và dẫn đến trí nhớ giảm sút nhiều hơn.
Nếu gặp khó khăn trong các công việc hàng ngày, bối rối hoặc mất phương hướng nghi ngờ có vấn đề về trí nhớ và nhận thức, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng sức khỏe, tránh tình trạng bệnh diễn biến xấu.